Trung tâm đào tạo kỹ thuật Nissan toàn cầu
Mỗi chiếc xe Nissan đều được chế tạo theo quy trình sản xuất riêng và bí mật. Tuy nhiên, có một nơi bạn có thể được tiếp xúc với các quy trình đặc biệt này được gọi là “karate dojo” hay các trung tâm đào tạo kỹ thuật Nissan toàn cầu.
Tại trung tâm đào tạo kỹ thuật Nissan toàn cầu (GTC), các học viên đến từ các nhà máy Nissan trên toàn thế giới phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt để có thể tiếp thu những kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến nhất. Sau khóa học, các “chuyên gia cao cấp” sẽ trở về các nhà máy tại địa phương, tiếp tục đào tạo các nhân viên cấp dưới, hoàn thiện quy trình sản xuất và góp phần giữ vững tiêu chuẩn vận hành của Nissan trên toàn cầu.
Khu vực bên trong nhà máy Oppama của Nissan tại Nhật Bản
Hiện tại Nissan có khoảng 30 trung tâm đào tạo kỹ thuật trên toàn cầu (GTC), khoảng 70% trong số đó nằm bên ngoài Nhật Bản. Với số lượng nhà máy được phân bố đa dạng trên toàn thế giới, không có một quy trình sản xuất chung cho tất cả các nhà máy này. Do vậy, để đảm bảo chất lượng sản xuất, Nissan đã chọn tập trung phát triển yếu tố con người. Các GTC là cái nôi đào tạo rất nhiều chuyên gia cao cấp của Nissan, họ không chỉ tiếp thu những kiến thức tiên tiến nhất mà còn giúp truyền đạt các kinh nghiệm này đến toàn bộ hệ thống nhà máy của Nissan, đảm bảo quy trình sản xuất luôn cập nhật và tuân thủ theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Đây chính là mục tiêu mà các GTC được tạo ra.
Quy trình đào tạo tại các “dojo”
Tại GTC, phương thức truyền tải kiến thức luôn được kết hợp song song giữa lý thuyết và thực tế. Lấy ví dụ, khi một chiếc bu lông không được siết đúng cách, nó có thể dễ dàng bị rơi ra. Do vậy, các học viên được yêu cầu thực hành từ các kỹ thuật đơn giản nhất để tránh mắc phải các sai lầm cơ bản.
Bên cạnh đó, thực hành liên tục là yếu tố then chốt để thành công. Các học viên phải liên tục rèn luyện để nâng cao kỹ năng của bản thân. Một người mới có thể mắc tới 10 lỗi sai khi siết bu lông, nhưng họ sẽ cố gắng để giảm số lỗi xuống bằng 0 khi hoàn thành khóa học. Sự hỗ trợ của các giáo cụ trực quan và thực hành liên tục khiến cho việc bất đồng ngôn ngữ giữa học viên và người giảng dạy hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Mỗi khóa học có thể kéo dài từ hai tuần đến ba tháng. Sau khi hoàn thành, các học viên sẽ nhận được danh hiệu “chuyên gia cao cấp” và mang những kiến thức của mình về phục vụ cho quá trình làm việc tại nhà máy địa phương.
Tuy nhiên, để hoàn toàn được công nhận danh hiệu này, các học viên phải trải qua “thử thách” cuối cùng. Sau khóa đào tạo khoảng 3-6 tháng, các khảo sát sẽ được thực hiện tại các nhà máy dưới quyền quản lý của các “chuyên gia cao cấp” mới này để kiểm tra xem liệu họ có thực sự áp dụng hiệu quả các kiến thức của khóa học. Ngoài ra, mỗi “chuyên gia cao cấp” mới đều cần đề xuất một chương trình đào tạo nội bộ và kết quả của chương trình này cũng là một yếu tố đánh giá trong đợt kiểm tra.
Tinh thần Nissan
Việc trở thành “chuyên gia đào tạo cao cấp” là một đặc quyền mà không nhiều người đạt được. Họ không chỉ cần phải xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn mà còn cần tiếp thu được những giá trị cốt lõi của Nissan. Họ chính là các nhân tố “DNA” khởi nguồn cho sự sáng tạo và phát triển của Nissan, với tinh thần vì tập thể, tôn trọng trật tự, trong sạch, minh bạch và kỷ luật.
Khi kết thúc mỗi khóa đào tạo, các học viên cần đưa ra lời khen và cảm ơn nhau vì đã cùng cố gắng trong khóa học. Nếp suy nghĩ và văn hóa này cũng được lan truyền đến tất cả các nhà máy của Nissan trên toàn thế giới. Các kỹ thuật sản xuất “monozukuri” có thể “made in Japan” (bắt nguồn từ Nhật Bản) – nhưng điều làm nên thương hiệu Nissan chính là một tập thể đoàn kết và thống nhất trên toàn cầu.
Kể từ khi ra đời lần đầu tiên vào năm 2015, các khóa đào tạo tại GTC đều hướng tới mục đích không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất tại tất cả các nhà máy Nissan tại Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác trên toàn thế giới. Các nội dung đào tạo được xây dựng đa dạng từ những bài tập đi bộ cho đến khả năng sử dụng tay trái linh hoạt.
Hàng năm, GTC đều tổ chức các cuộc thi toàn cầu, thu hút khoảng 300 thí sinh từ các nhà máy trên toàn thế giới. Các ứng viên phải trải qua các vòng thi đấu “nảy lửa” trước khi bước vào vòng thi cuối cùng được tổ chức tại nhà máy Oppama và thể hiện những kỹ năng xuất sắc nhất.
Trước cửa nhà máy Oppama của Nissan luôn có một biển chỉ dẫn ghi rõ “Giá trị thương hiệu Nissan không chỉ được xây dựng trong một ngày”. Sau mỗi khóa học, các học viên không chỉ dừng lại sau khi đạt được chứng nhận Chuyên gia đào tạo cao cấp mà họ còn tiếp thục thực hiện sứ mệnh “dojo” – khẳng định thương hiệu và chất lượng đẳng cấp của Nissan trên toàn thế giới.